Bệnh đạo ôn - những điều bạn chưa biết

Địa chỉ: Số 67 – Tổ 4, Ấp Thạnh Lý, Xã Đông Thạnh, TX Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long

Hotline: 0976 890 388 - 0939 789 971

Email: anphatnongvinhlong@gmail.com

Bệnh đạo ôn - những điều bạn chưa biết
Ngày đăng: 21/11/2021 09:30 PM

   Đạo ôn là loại bệnh hại quan trọng và khá phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh có thể xuất hiện sớm ở giai đoạn đẻ nhánh hoặc muộn hơn ở giai đoạn làm đòng đến thu hoạch và gây thiệt hại vô cùng lớn nếu không phát hiện, quản lý sớm. Tuy là loại bệnh phổ biến nhưng chưa chắc bà con đã hiểu hết về nó đâu nhé. Dưới đây là một số điều khá thú vị về bệnh đạo ôn và có thể giải thích cho một số hiện tượng thường gặp khi canh tác lúa.

 

 

1. Bệnh đạo ôn không lây qua nước ruộng

 

   Bệnh đạo ôn lây nhiễm qua gió, những trận gió ngang sẽ mang nấm bệnh từ khu này lây sang khu khác. Trường hợp gió đứng thì nấm bệnh lan rộng sang xung quanh và rớt xuống những tán lá phía dưới.

 

   Nước là điều kiện giúp bào từ nảy mầm và gây hại nhưng đó là trường hợp nước dính trên lá lúa, còn với nước ruộng thì không thể. Bào tử sau khi nảy mầm mà không có lá lúa để xâm nhập thì sẽ chết ngay sau đó. Đây là lí do tại sao đạo ôn không lây qua hạt giống, vì ngâm giống trong nước có thể giết chết nấm bệnh đạo ôn sau khi nảy mầm.

 

 

2. Từ giai đoạn làm đòng trở về sau, cây lúa rất hiếm khi bị đạo ôn lá

 

   Đạo ôn lá thường xuất hiện giai đoạn đẻ nhánh, còn ở giai đoạn làm đòng trở về sau lá lúa đã già, cứng cáp hơn nên nấm bệnh khó tấn công vào lá được. Thay vào đó, nấm bệnh sẽ theo nước hay sương rơi xuống bị giữ ngay thìa lá và bắt đầu gây ra bệnh đạo ôn cổ lá.

 

 

Ảnh - Đạo ôn cổ lá xuất hiện nhiều ở giai đoạn đòng - trổ

 

 

3. Không cần điều kiện thuận lợi, vết bệnh vẫn có thể lan rộng

 

   Sợi nấm bên ngoài tế bào lá lúa phát triển khi ẩm độ tương đối của không khí đạt 93%, thấp hơn thì nấm bệnh sẽ ngừng phát triển. Tuy nhiên, khi nấm bệnh đã xâm nhập vào lá lúa thì ẩm độ luôn luôn cao hơn 93% nên vết bệnh vẫn sẽ lan rộng nếu không can thiệp sớm.

 

 

4. Những chỗ trũng thường bị đạo ôn nặng hơn chỗ gò

 

   Chúng ta thường nghe các chuyên gia không nên bón dư thừa đạm, như vậy ruộng sẽ dễ nhiễm đạo ôn. Vậy tại sao thừa đạm lại dễ bị đạo ôn?

 

   Ở những ruộng thừa đạm, bản lá lúa thường rất to và nằm ngang, mềm yếu nên dễ hứng nhiều bào tử và dễ bị xâm nhập. Hơn nữa, khi bón thừa phân đạm, đạm sẽ nằm trong lá lúa dạng tự do trong dịch của lá lúa. Các đạm tự do này rất thích hợp cho sự phát triển của nấm bệnhlàm cho vết bệnh lan rất nhanh.

 

   Phân đạm sau khi bón sẽ ở dạng hòa tan trong nước và tập trung nhiều ở chỗ trũng trên ruộng. Do đó bệnh đạo ôn thường phát sinh đầu tiên và gây hại nặng ở các chỗ trũng trên ruộng.

 

 

5. Ngoài lúa, đạo ôn còn gây hại trên bắp và mía và các loài cỏ dại

 

   Bệnh đạo ôn không chỉ gây hại trên lúa mà còn gây thiệt hại trên các cây trồng cùng họ. Ngoài ra, cỏ dại trên ruộng (lồng vực, đuôi phụng…) cũng là kí chủ của bệnh đạo ôn. Đây là cách mà bệnh đạo ôn tồn tại từ vụ này qua vụ khác, vùng này qua vùng khác và không trị dứt được chúng. Chỉ có cách là đầu tư cho ruộng lúa sạch, cây lúa khỏe từ bên trong và có khả năng kích kháng bệnh. Khi phát hiện vết bệnh chấm kim, cần đầu tư phun xịt ngay, chỉ với liều bình thường là có thể quản lý tốt bệnh. Đầu tư đúng lúc sẽ nhẹ chi phí về sau!

 

Xem thêm thông tin về bệnh đạo ôn tại đây.

Đăng ký ngay để nhận khuyến mãi

Hãy kết nối để có thêm thông tin khuyến mãi từ chúng tôi

Zalo
Hotline