1. Cách nhận biết
Bệnh đốm vằn hay còn gọi là bệnh khô vằn, trên ruộng bệnh thường xảy ra thành từng chòm, nhất là ở những chỗ lúa mọc quá dày hay quá tốt.
Triệu chứng ban đầu của bệnh là các thương tổn ở bẹ lúa, vết bệnh có hình bầu dục đến trái xoan, dài khoảng 1cm, có màu xanh xám và sũng nước. Vết bệnh sau đó lớn dần, dài 2 – 3 cm và biến dần thành hình dạng không đều, lan dần theo chiều dọc của cây lúa theo hướng tiến dần lên phía ngọn, tâm của vết bệnh có màu trắng xám, viền bệnh lan quanh màu nâu.
Vết bệnh đốm vằn loang lỗ trên lá
Về sau vết bệnh liên kết với nhau tạo thành vết loang lổ trên toàn bộ lá, hoặc thân, bệnh nặng sẽ chuyển sang màu sáng trắng do chết khô. Điều này dẫn đến tình trạng chết lá và chết cây.
Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, vết bệnh lan rất nhanh và có sợi nấm mọc ra trên vết bệnh. Dễ thấy nhất là vào sáng sớm, nếu quan sát kỹ sẽ thấy có sợi nấm mảnh mai mọc trên vết bệnh và có thể xâm nhập vào bẹ lúa lân cận khi tiếp xúc.
2. Tác nhân
Tác nhân gây bệnh khô vằn là nấm Rhizoctonia solani (tên ở giai đoạn sinh sản vô tính). Ở giai đoạn sinh sản hữu tính nấm có tên là Thanatephorus cucumeris, thuộc lớp nấm đãm.
Giai đoạn sinh sản vô tính là giai đoạn thường gặp ngoài đồng ruộng, ở giai đoạn này nấm bệnh khô vằn chỉ sinh ra hạch nấm còn giai đoạn sinh sản hữu tính thì sinh ra bào tử và là bào tử đãm, tuy nhiên thì giai đoạn này chỉ gặp trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Hạch nấm hình thành trên bẹ lúa
Hạch nấm màu vàng xám hoặc nâu, hình dạng không đồng nhất, mặt tiếp xúc với bẹ lúa bằng phẳng, mặt trên phồng lên, không láng và có nhiều lổ nhỏ.
Là bộ phận lây lan chủ yếu của bệnh khô vằn, hạch nấm mọc cơi trên mặt bẹ của bẹ lúa, rất dễ rơi xuống nước và nổi trên mặt ruộng. Nhờ dòng chảy của nước, hạch nấm trôi đến cây lúa khỏe để tiếp tục gây bệnh. Ngoài ra thì sợi nấm trong rơm rạ sau thu hoạch cũng giúp nấm bệnh tồn lại khá lâu và cũng là nguồn lây lan của bệnh đốm vằn.
3. Sự lây lan
Bệnh đốm vằn lây lan trực tiếp qua tiếp xúc giữa nguồn bệnh và cây lúa hoặc qua lưu tồn từ vụ trước sang vụ sau, các con đường lây lan như qua hạch nấm hoặc lây lan từ rơm rạ mắc bệnh và từ cỏ dại ven bờ ruộng.
Hạch nấm hình thành trên mặt bẹ của lúa nên rất dễ rơi xuống nước ruộng, lây lan nhờ dòng chảy của nước. Hơn nữa nhờ có thời gian lưu tồn rất lâu, trong trường hợp ruộng không có nước (lúc thu hoạch), hạch nấm rơi trên mặt đất sẽ lưu tồn trong thời gian nhiều tháng. Trong điều kiện khô ráo và nhiệt độ phòng, hạch nấm có thể sống sót đến 20 tháng. Như vây, sau một vụ lúa có bệnh đốm vằn sẽ có nhiều hạch nấm rơi trên mặt đất và sẽ gây bệnh cho vụ lúa sau.
Hạch nấm lây bệnh đốm vằn bằng cách sinh ra những sợi nấm nhỏ mọc tia ra xung quanh. Khi sợi nấm nhỏ tiếp xúc với bẹ của bụi lúa lân cận, sợi nấm sẽ xâm nhập vào bẹ lúa và gây ra vết bệnh mới. Sợi nấm cũng có thể xâm nhập vào bẹ hoặc lá lúa qua các khí khẩu, hoặc xâm nhập trực tiếp qua lớp biểu bì lành mạnh. Do đó, các lá lúa, cỏ dại hay rơm rạ có mang nấm bệnh đốm vằn khi tiếp xúc với các lá lúa mạnh cũng có thể làm lây lan bệnh.
Tơ nấm bệnh đốm vằn
Với cách lây lan này, khi vụ lúa trước có bệnh đốm vằn thì vụ lúa kế tiếp chắc chắn sẽ bị bệnh đốm vằn. Điều này cho thấy bệnh đốm vằn tuy không phát triển ồ ạt như bệnh đạo ôn, nhưng luôn luôn có mặt do sự tích lũy hạch nấm trong vụ trước.
4. Điều kiện ngoại cảnh
Bệnh đốm vằn chịu ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh. Các yếu tố ảnh hưởng quan trọng gồm: ẩm độ tương đối của không khí, nhiệt độ và hàm lượng phân đạm bón cho lúa.
Bệnh đốm vằn phát triển trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao. Ẩm độ trong không khí phụ thuộc vào thời tiết và vào khoảng cách giữa các cây lúa. Khoảng cách giữa các cây lúa càng ngắn thì ẩm độ càng cao. Khoảng cách các bụi lúa lại phụ thuộc vào mật độ sạ. Do đó thì nếu sạ càng dày sẽ tạo điều kiện cho bệnh đốm vằn phát triển sớm, nhanh và gây hại nặng.
Nhiệt độ thích hợp cho bệnh đốm vằn phát triển mạnh là khoảng từ 28 – 32oC. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, bênh đốm vằn gây hại nặng vào vụ hè thu và thu đông do điều kiện của hai vụ này là nhiệt độ cao và là mùa mưa nên ruộng lúa luôn ẩm ướt thích hợp cho sự phát triển của bệnh.
Bên cạnh điều kiện thời tiết thì việc gieo sạ với mật độ cao và bón nhiều phân đạm làm lúa nhảy bụi và giáp tán sớm nên ẩm độ trong ruộng luôn cao, là điều kiện cho bệnh đốm vằn phát triển nặng.
Tuổi lúa càng cao thì càng mẫn cảm với bệnh đốm vằn. Do đó bệnh đốm vằn phát triển rất nhanh khi lúa trổ bông.
Giải pháp phòng ngừa cũng như quản lý bệnh đốm vằn xem Tại đây