Với tình hình phân bón không ngừng tăng vọt, nhiều nhà nông quay lại quan tâm xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành chất hữu cơ có ích. Với mục tiêu tận dụng những thứ sẵn có ngoài đồng mang lại nguồn dưỡng chất hữu dụng cho đất cho cây.
Nhà nông quan tâm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh – Huyền Nhi
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô. Nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương 1 tấn, khoảng 10 - 12 tấn phụ phẩm/ha. Do vậy, canh tác lúa hằng năm tạo ra một khối lượng rơm rạ vô cùng lớn.
10 năm trở lại đây, nhà nông không còn xa lạ gì với nấm Trichoderma - một chế phẩm thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, đồng thời được xem như một tác nhân kiểm soát sinh học hữu ích trong canh tác nông nghiệp.
LỰA CHỌN ĐÚNG TRICHODERMA
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng chế phẩm Trichoderma với nhiều thành phần và tên thương mại khác nhau gây khó khăn cho nhà nông trong khâu lựa chọn. Sau đây là một số cơ sở giúp nhận biết và lựa chọn loại Trichoderma tốt nhất cho ruộng lúa.
Thời gian sử dụng: tùy theo công nghệ sản xuất mà Trichoderma có hạn sử dụng dài ngắn khác nhau. Theo nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp cho rằng “Trichoderma nào có hạn sử dụng càng lâu thì hiệu quả càng cao”. Điều này chứng tỏ công nghệ sản xuất Trichoderma càng “xịn”. Do đó khi lựa chọn Trichoderma, bà con nên quan tâm đến thời gian sử dụng, ưu tiên sản phẩm có hạn sử dụng dài sẽ mang lại hiệu quả cao.
Mật số bào tử: Lượng bào tử có trong chế phẩm Trichoderma cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Chế phẩm Trichoderma đạt yêu cầu phải chứa ít nhất 106 bào tử/gam. Chế phẩm nào có mật số bào tử càng nhiều thì thời gian và hiệu quả sử dụng càng nhanh.
Độ tan: khả năng tan trong nước của Trichoderma tỉ lệ thuận với công nghệ nuôi cấy Trichoderma. Tức chế phẩm Trichoderma nào tan càng tốt thì công nghệ nuôi cấy càng tiên tiến. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà nông đã áp dụng công nghệ phun máy bay, do đó chế phẩm Trichoderma nào tan được hoàn toàn trong nước thì độ hữu dụng càng lớn, vừa mang lại hiệu quả, vừa giúp giảm chi phí và thời gian phun xịt.
Trichoderma An Phát Nông. Ảnh – Huyền Nhi
CÁCH SỬ DỤNG TRICHODERMA TRÊN RUỘNG LÚA
Tùy theo hiện trạng từng ruộng lúa mà bà con sẽ áp dụng kỹ thuật canh tác khác nhau.
Nắng tốt đốt rơm: sau khi thu hoạch vụ trước xong, trong khoảng thời gian giữa vụ, bà con tiến hành bơm nước làm ẩm ruộng, sau đó phun Trichoderma lên rơm rồi xới một tác để vùi rơm rạ xuống đất. Lưu ý Trichoderma hiếu khí, nên để mặt ruộng vừa đủ ẩm, không nên lên nước ngập sâu sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của Trichoderma. Khi chuẩn bị gieo sạ, bà con xới tác 2 – trục – trạt là có thể an tâm xuống giống.
Mưa không đốt rơm được: Trường hợp thu hoạch xong gặp mưa đốt rơm không được thì bà con cũng có thể giữ nguyên lượng rơm rạ đó và phun xịt Trichoderma như cách trên nhưng với lượng tăng gấp đôi để đẩy nhanh thời gian phân hủy rơm rạ.
Khi đã sạ lúa: các sản phẩm Trichoderma hiện nay đa phần đều ở dạng bào tử, muốn hoạt động cần phải có thời gian để bào tử nảy mầm và sinh tơ nấm. Trường hợp khi đã gieo sạ, nếu sử dụng Trichoderma dạng bào tử sẽ có một số bất tiện về thời gian và hiệu quả do lượng bào tử sẽ bị trôi đi sau những lần thay mới nước ruộng. Bởi thế, khi lúa đã gieo sạ, bà con nên ưu tiên lựa chọn chế phẩm chứa Enzyme Trichoderma sẽ cải thiện được những vấn đề trên, vừa thuận tiện, vừa có tác dụng tức thời.
Chế phẩm chứa Enzyme Trichoderma từ Tây Ban Nha. Ảnh – Huyền Nhi
HIỆU QUẢ SỬ DỤNG
Giảm ngộ độc: quá trình phân hủy rơm rạ sẽ tiết ra các độc chất làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ rễ, còn gọi là ngộ độc hữu cơ. Trichoderma có khả năng tiết Enzyme Cellulase giúp quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra nhanh và mạnh mẽ, hạn chế tình trạng rơm rạ vụ trước sót lại gây độc cho lúa. Chính vì thế, Trichoderma được xem như giải pháp số 1 giúp giảm tình trạng ngộ độc cho rễ lúa.
Ruộng lúa khỏe khi được ứng dụng Trichoderma. Ảnh – Huyền Nhi
Cải tạo đất, nhẹ phân bón: quá trình hoạt động của Trichoderma góp phần cải tạo độ tơi xốp của đất, giúp đất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật vùng rễ phát triển. Bên cạnh đó, Trichoderma có tác dụng chuyển hóa lượng xác bã thực vật thành lượng mùn hữu cơ trả lại cho đất. Lượng hữu cơ này rất tốt cho hoạt động nảy mầm và sinh trưởng của cây, góp phần làm giảm chi phí phân bón trong quá trình canh tác sau này.
Diệt lúa cỏ, lúa nền: Lúa cỏ và lúa nền là đối tượng “lì đòn” của nhà nông, tuy không gieo sạ nhưng vụ nào cũng xuất hiện. Một điểm đặc biệt của Trichoderma mà không phải ai cũng biết, đó chính là khả năng diệt lúa cỏ, lúa nền đã lưu tồn nhiều năm trong ruộng. Trichoderma sẽ phân hủy lớp vỏ bên ngoài của chúng, tạo điều kiện cho nấm khuẩn gây hại phần phôi bên trong. Nhờ đó quản lý triệt để lượng lúa cỏ và lúa nền trong ruộng lúa.
Ruộng sạch lúa cỏ, lúa nền nhờ ứng dụng Trichoderma. Ảnh – Huyền Nhi
Một khả năng đặc biệt từ Enzyme Trichoderma là giúp cây lúa hình thành kháng thể mang tên Phytoalexin như một dạng vắc xin thực vật. Khi đó, các loài nấm và vi khuẩn sẽ khó hình thành vết bệnh trên cơ thể cây lúa và bị các kháng thể tiêu diệt ngay khi tiếp xúc.