KINH NGHIỆM QUẢN LÝ CỎ DẠI TRÊN RUỘNG LÚA

Địa chỉ: Số 67 – Tổ 4, Ấp Thạnh Lý, Xã Đông Thạnh, TX Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long

Hotline: 0976 890 388 - 0939 789 971

Email: anphatnongvinhlong@gmail.com

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ CỎ DẠI TRÊN RUỘNG LÚA
Ngày đăng: 10/05/2022 01:42 PM

“Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”

 

Các số liệu phân tích đã cho thấy chi phí trong khâu quản lý cỏ dại và lúa cỏ là cao nhất so với các đối tượng dịch hại trong cả vụ lúa. Thời gian gầy đây có nhiều giải pháp mới, những kinh nghiệm hay được nhà nông phát minh để diệt cỏ dại và lúa cỏ được nhiều bà con đón nhận, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất.

 

Độ “lì” của cỏ dại và lúa cỏ

 

Cỏ dại và lúa cỏ được hiểu là những loài tự mọc, không do gieo trồng nhưng gây nhiều thiệt hại trên ruộng lúa. Có câu: “Lúa cỏ là lúa Trời cho” hay “Bao giờ cây lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” đã cho thấy việc quản lí cỏ dại và lúa cỏ là vấn đề muôn thuở trong canh tác lúa.

 

Chúng có tính thích nghi cao, sinh sống được ở những nơi nghèo dinh dưỡng. Hạt cỏ và lúa cỏ có thể lưu tồn rất nhiều năm, không cần ngâm ủ cũng có thể mọc lên một cách mạnh mẽ. Nhiều bà con cho biết: “Chỉ cần lặn suống lòng sông lấy lên bờ một ít đất bùn, cứ để vài bữa là cỏ tự mọc lên”.

 

Bên cạnh đó, việc dễ phát tán theo gió – nước – và cả con người (bám vào quần áo, dụng cụ lao động…) đã làm cho cỏ dại và lúa cỏ được nhân mật số một cách liên tục.

 

Các bước quản lý cỏ dại và lúa cỏ

 

Các đối tượng dịch hại như sâu, bệnh thường được quản lí gói gọn trong vụ lúa, riêng cỏ dại và lúa cỏ phải được bà con quản lí từ vụ mùa trước. Trong khâu khử lẫn, nhà nông chủ ý loại bỏ chúng ra khỏi ruộng trước khi chúng rụng hạt xuống mặt đất để cắt đi nguồn lưu tồn qua vụ sau.

 

Trong khâu chọn giống cần lựa chọn cơ sở uy tín để mua hạt giống xác nhận đã được sàn lọc kỹ càng. Bà con hạn chế trao đổi giống qua lại, việc thấy ruộng lân cận “bằng ngọn” bà con mua về làm lúa giống cho vụ tiếp theo thì vô tình “vừa sạ lúa vừa sạ cỏ” do hiện nay có những loài lúa cỏ thấp hơn mặt bằng chung của ruộng lúa, việc khử lẫn thông thường sẽ không loại bỏ hết được.

 

Làm đất là khâu quan trọng tiếp theo, bà con làm đất kỹ sao cho mặt ruộng bằng phẳng để đến khi vô nước ém cỏ thì mực nước sẽ phủ đều, nếu ruộng lồi lõm sẽ khó quản lý cỏ do khi vô nước nếu phủ trên gò thì chết lúa dưới lung, còn nương dưới lung thì trên gò cỏ mọc.

 

Trong việc phun thuốc diệt cỏ nhớ ưu tiên giải pháp tiền nẩy mầm, sẽ mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí so với giải pháp hậu nẩy mầm

 

Kinh nghiệm mới diệt cỏ dại và lúa cỏ

 

  1. Nhử cỏ

 

  • Cách này được thực hiện trước khi làm đất lần cuối để gieo sạ

 

  • Nhà nông sau khi thu hoạch vụ trước (xử lý xong rơm rạ) thì tiến hành bơm nước vào ruộng ngâm qua đêm rồi xả khô. Mặt đất ẩm sẽ kích thích tất cả các loại cỏ dại và lúa cỏ mọc lên hết.

 

  • Khoảng 1 tuần sau, nhà nông tiến hành xới nhận chúng xuống mặt đất rồi tiến hành làm đất gieo sạ cho vụ mới. Những nhà nông kỹ tính có thể dùng thuốc cỏ không chọn lọc để phun lên cỏ dại và lúa cỏ trước khi xới với mục đích tiêu diệt triệt để. Các vùng đất có thời gian nghỉ giữa 2 vụ lúa được lâu thì có thể áp dụng nhử cỏ 2 lần.

 

  • Khi gieo sạ, bà con vẫn dùng thuốc cỏ tiền nẩy mầm để phun một lần sau khi sạ lúa 1 – 2 ngày.

 

  1. Gieo sạ ém lúa cỏ

 

  • Cách này được thực hiện trong khi gieo sạ

 

  • Thay vì sạ khô thì bà con bơm nước ngập ruộng khoảng 2 – 3 tấc rồi tiến hành sạ ngầm. Bà con giữ mực nước ruộng khoảng 3 – 5 ngày rồi xả ra, phun thuốc diệt mầm. Khoảng thời gian này, hạt lúa phát triển trong nước, hạt cỏ và lúa cỏ do không đủ điều kiện nhiệt độ, ánh sáng nên không thể nẩy mầm được, đến khi nước rút lại phải hứng chịu đợt thuốc cỏ tiền nẩy mầm, qua đó chúng bị tiêu diệt gần như hoàn toàn.

 

  • Cách làm này bà con cần thiết diệt ốc thật tốt và nên xử lý giống bằng các chế phẩm chuyên dụng như chất điều hòa sinh trưởng Brassinosteroid 14 Hydroxylated giúp hạt giống phát triển tốt trong môi trường ngập nước.

 

  1. “Thà giết lầm hơn bỏ sót”

 

  • Cách làm này được tiến hành ở thời điểm 15 ngày sau sạ và thường áp dụng cho các ruộng không bằng phẳng, nhiều chỗ gò

 

  • Đầu vụ bà con lên nước ém cỏ, các chỗ gò không phủ nước thì cỏ dại và lúa cỏ sẽ mọc lên kín đất ở khoảng 15 ngày sau sạ. Bà con tiến hành dùng thuốc cỏ không chọn lọc để phun vào những khu vực này cho chết hết cỏ và “kể cả lúa sạ” với phương châm “không bỏ sót”

 

  • Sau 4 – 5 ngày, bà con sẽ chiết mạ xung quanh để dặm vá lại toàn bộ khu vực này để có một mảnh ruộng hoàn toàn sạch cỏ.

 

  • Lưu ý trong cách làm này bà con nên sạ lượng giống nhiều hơn ở khu vực lân cận để khi chiết mạ dặm vá không cần phải di chuyển xa tốn công

 

Ảnh – Phun diệt cỏ và lúa cỏ những chỗ gò để dặm vá lại. 

Trên là vài kinh nghiệm diệt cỏ mới nhất được nhà nông sáng chế. Dựa vào điều kiện canh tác của khu vực bà con sẽ lựa chọn để áp dụng cho phù hợp.

 

Kính chúc quý nhà nông quản lý cỏ dại và lúa cỏ thành công!

Đăng ký ngay để nhận khuyến mãi

Hãy kết nối để có thêm thông tin khuyến mãi từ chúng tôi

Zalo
Hotline