Ảnh – Cây lúa nhiễm muỗi hành. Hoàng Vũ
Từ tập quán gây hại
Muỗi hành thường bị hấp dẫn bởi ánh sáng trăng, ánh đèn nhà. Ghi nhận từ việc bẫy đèn từ mùng 1 đến ngày 30 âm lịch cho thấy chúng vào đèn rất nhiều ở khoảng 13 đến 18 âm lịch (lấy trị số trung bình là 15 âm lịch)
Nếu như ruộng lúa của nhà nông có giai đoạn đẻ nhánh tối đa trùng với thời điểm sáng trăng trên ruộng lúa thì thường biểu hiện “cọng hành” nhiều hơn các ruộng khác. Giai đoạn đẻ nhánh tối đa được qui ước từ 15 đến 30 ngày sau sạ.
Việc phun xịt thuốc diệt muỗi hành trước đây bà con thường “nhắm chừng”, cứ mỗi cử phun (trừ cỏ, trừ bệnh, bón lá...) trên ruộng đều thêm thuốc trừ sâu vào để diệt muỗi hành mà không cần biết chúng đang có trên ruộng hay không. Cách làm này làm đội chi phí canh tác và làm chết hết thiên địch trên ruộng lúa, dẫn đến nhiều hệ lụy khác như sâu rầy bộc phát giai đoạn trổ chín.
Do đó, muốn xác định ngày phun xịt thuốc diệt muỗi hành, nhà nông sẽ căn cứ vào 2 yếu tố là trời sáng trăng và lúa đang giai đoạn đẻ nhánh để có quyết định chính xác
Đến cách tính ngày phun xịt
Tính ngày phun xịt bà con dựa vào 3 bước
- Bước 1: Xác định ngày gieo sạ tính bằng âm lịch
- Bước 2: Từ ngày giao sạ đếm đến 15 âm lịch, bà con được số A – đây là ngày tuổi của cây lúa
- Bước 3: So sánh như sau
+ Nếu: 15 < A < 30: nhà nông sẽ có xư hướng phun xịt thuốc diệt muỗi hành, do có ruộng lúa đang đẻ nhánh trong thời điểm muỗi hành gây hại (sáng trăng)
+ Nếu: A < 15 (hoặc A = 15): nhà nông không cần phun thuốc diệt muỗi hành do lúa đang ở giai đoạn mạ, chỉ cần bơm nước ngập qua “chắn ba” cây lúa sẽ hạn chế việc muỗi hành chui vào ruộng lúa gây hại.
+ Nếu A = 30 (hoặc A > 30, do nhiều nha nông kỹ tính, đếm đến ngày 18 âm lịch): nhà nông không cần phun thuốc diệt muỗi hành do lúc này, muỗi hành chỉ tấn côngđược ở các chồi vô hiệu, ít ảnh hưởng năng suất.
Ví dụ cụ thể như sau:
- Bà con sạ lối mùng 10 âm lịch, đếm tới 15 âm lịch sẽ có A = 5, trường hợp này A = 5 < 15 nên bà con không cần phun xịt mà bơm nước ngập “chắn ba” cây lúa.
- Bà con sạ lối 25 âm lịch, đếm tới 15 âm lịch (tháng sau) sẽ có A = 20, trường hợp này 15 < A < 30, bà con cần lưu ý phun xịt do lúa đang đẻ nhánh tối đa và gặp muỗi hành gây hại.
Cách làm bẫy đèn “không tốn tiền”
Ảnh – Muỗi hành dính vào “bẫy tự chế”. Hoàng Vũ
Nhiều bà con kỹ tính, khi đã xác định được thời điểm phun xịt thì có thêm thao tác quan sát qua bẫy đèn để “chắc ăn” có muỗi hành.
Nhà nông Nguyễn Văn Quốc (Vị Thủy – Hậu Giang) chia sẻ: “Lấy một tấm bọc ni lông trắng rồi vô bếp lấy dầu ăn tha đều bên ngoài. Sau đó, treo gần các bóng đèn sáng gần ruộng. Nếu có muỗi hành chúng sẽ bay đến và dính vào”
Với việc quan sát “bẫy tự chế”, bà con sẽ đánh giá và quyết định phun xịt vào ngày hôm sau. Các chế phẩm trừ được sâu đục thân sẽ diệt tốt muỗi hành thành trùng trên ruộng lúa.