Có nhiều quan niệm cho rằng “hồi trước nhà tôi trồng cả chục gốc không phân thuốc cũng chẳng chặn hay kéo đọt mà ăn trái đều đều, cơm vẫn vàng - thơm - béo đó thôi”. Như vậy tại sao thời nay chúng ta lại phải bày vẽ ra đủ loại “kỹ thuật” làm gì? Thực sự thao tác này có ý nghĩa tăng năng suất hay chỉ là chiêu trò để bán phân thuốc?
Để nói về vấn đề này, em cháu xin có một số thảo luận nhỏ, nếu còn thiếu sót mong cô chú anh chị hoan hỉ cho vài lời góp ý nhé.
Thực tế “Năm trúng, năm thất”
Từ trước đến nay, bất kể là cây gì, giống gì, ngắn ngày hay dài ngày thì vẫn tồn tại thực tế “năm trúng năm thất”. Nguyên nhân là do các yếu tố cần cho quá trình canh tác như dinh dưỡng trong đất, sức khỏe cây, cân bằng vi sinh vật, thiên địch tự nhiên,… sau khi làm việc vất vả trong một, hai, ba vụ sẽ cần thời gian nghỉ ngơi mới có thể tiếp tục phát huy năng lực của mình.
Ai trồng lúa sẽ biết, ngày trước một vụ/năm lúa trúng vô cùng, nhưng trong quá trình “chạy đua” kinh tế chúng ta cần năng suất, lợi nhuận để trang trải cuộc sống mà phải tăng gia sản xuất lên 2 - 3 vụ/năm. Từ đó mà việc bổ sung phân bón, nông dược, giải pháp quản lý phụ phẩm nông nghiệp cũng phải được quan tâm nhiều hơn.
Quay lại cây sầu riêng, việc phó mặt cho tự nhiên rồi cuối vụ “có nhiêu ăn nhiêu” thực ra cũng không ổn. Do đó muốn tăng năng suất thì việc phải thích ứng thời tiết, điều khiển sinh lý, khống chế sâu - bệnh hại và phân phướng có vai trò vô cùng quan trọng.
Ảnh - Sầu riêng đi đọt, mở được một cặp lá
Tại sao phải khống chế đọt sầu riêng?
Trong canh tác, để ý nếu có bất lợi xảy ra thì với các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi,… chúng sẽ bỏ lá thay vì bỏ trái. Sầu riêng thì ngược lại, bỏ trái chứ không bỏ lá. Đây là do đặc trưng sinh lý mà tạo hóa đã ban cho mỗi giống loài.
Dẫu biết lá sầu riêng là cơ quan dự trữ năng lượng cho quá trình nuôi hoa - trái, tuy nhiên nếu đọt non ra không đúng thời điểm sẽ gây một số trở ngại. Nói cho dễ hình dung thì khi đi đọt, cây sẽ quên nhiệm vụ sinh nở của mình, chúng sẽ bỏ trái để dồn sức cho lá được mở.
Còn trong cuốn XỬ LÝ RA HOA SẦU RIÊNG của GS.TS Trần Văn Hâu thì trích dẫn thế này: Với cây sầu riêng do đặc điểm sinh trưởng gián đoạn, các giai đoạn sinh trưởng thường tách rời nhau, không liên tục. Tuy nhiên trong thực tế sản xuất do tác động của yếu tố thời tiết và đôi khi là kỹ thuật canh tác của nhà nông mà các giai đoạn sinh trưởng có thể chồng lên nhau như ra đọt trong quá trình hoa - phát triển trái, ra hoa đậu trái nhiều đợt gây trở ngại trong quá trình quản lý sự phát triển của cây.
Như vậy đọt và bông - trái sẽ cạnh tranh dinh dưỡng từ cây mẹ. Sự cạnh tranh sẽ không làm chết cây nhưng gây thất thu năng suất nếu đọt phát triển quá mạnh dẫn đến trái bị rụng, méo mó, giảm phẩm chất.
Do đó để giữ trái thì ngày nay nhu cầu có được kỹ thuật để khống chế đọt hoặc nom na là điều khiển đọt theo mong muốn của người canh tác trở nên cấp thiết hơn.
Khi nào cần kiểm soát đọt?
Đầu tiên - phân hóa mầm hoa: đại diện cho quá trình đi đọt là các hormone tăng trưởng như Auxin, Cytokinin, Gibberellin. Tuy nhiên muốn phân hóa mầm hoa cần có sự can thiệp của chất ức chế Abscisic acid (ABA). Để cây tiết ra ABA nhà vườn thường tác động bằng cách xiết nước tạo khô hạn khi xử lý ra hoa. Do sự đối lập này mà giai đoạn phân hóa mầm hoa nhà vườn phải khống chế đọt thì mắt cua mới lộ diện được.
Ảnh - nếu đi đọt trong quá trình ra hoa sẽ dẫn đến cây ra bông lá
Thứ 2 - giai đoạn xổ nhụy - chạy trái: đơn giản lúc sinh nở, nuôi con nhỏ thì cần tập trung dinh dưỡng cho con cái của mình. Giai đoạn xổ nhụy bắt buộc đọt không được đi. Còn với giai đoạn trái non tầm 30 - 45 ngày thường có đợt đi đọt sinh lý. Lúc này hãy kiểm soát chúng bằng cách chặn hoặc tác động kỹ thuật dìu đọt (đọt đi chậm, già lá mau). Lưu ý là dìu đọt còn tùy thuộc vào giống, ví như Ri6 có thể ứng dụng được nhưng Thái, Musang King thì tay nghề phải cứng, thao tác tổng thể từ phun xịt, quản lý nước và chế độ phân bón thì mới đảm bảo an toàn.
Qua đây nếu cảm thấy không tự tin, không an toàn thì chặn đọt là giải pháp giúp giảm thiểu nỗi lo về rụng trái non.
Thứ 3 - giai đoạn vô cơm: trải qua thời gian dài hãm đọt nhà vườn rất mong cây có được một cơi đọt nhằm thêm kho dự trữ và giúp quá trình phục hồi nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên thực tế rằng nếu đọt đi mạnh, lặp lại là đọt đi mạnh khi trái đang vô cơm rất dễ làm cháy múi, sượng cơm. Vì thế không chủ động lấy đọt thời điểm này, trường hợp cây sung khỏe, đọt đi tự nhiên thì hãy dìu cho chúng phát triển chậm lại nhé.
Muốn giảm cử chặn đọt thì phải làm gì?
Ảnh - Tạo đủ lá, ra cơi đồng đều trước khi xử lý ra hoa
Tạo đủ lá: có câu “an cư lạc nghiệp”. Việc chúng ta tạo đủ kho dự trữ năng lượng trước khi vào làm bông để trái thì cây sẽ không phải lo về miếng ăn nữa, sự sinh trưởng sẽ giảm lại và ưu tiên cho sinh sản.
Ra hoa tập trung: nếu bông ra lọt xọt nhiều cở sẽ gây cạnh tranh giữa bông với bông, bông với trái, trái nhỏ với trái lớn. Từ đó sinh lý cây rối loạn không biết phải ưu tiên nuôi cái nào. Kết quả là cây so trái, gây rụng, qua đây lực cây bị thừa so với lượng trái đang neo, dinh dưỡng dư đó sẽ dồn ra ngoài đọt.
Bảo vệ bộ lá: khi bộ lá bị tổn thương do bệnh hay cháy, rụng do sốc thời tiết thì cơ chế tự nhiên cây sẽ quay về trạng thái sinh trưởng dinh dưỡng (đi đọt) để bù lại lượng lá bị thiếu.
Công thức chặn - dìu đọt an toàn, không gây cháy lá (dành cho phuy 200 lít nước)
- Chặn đọt khi mũi giáo vừa sáng: 1 lít Vill 10 + 500 ml Nano K++
- Chặn đọt, già lá khi cặp lá đầu tiên đã mở: 1 lít Vill 10 + 500 ml Nano K++ + 1 hủ MKPI
- Chặn đọt nách: 1 lít Vill 10 + 500 ml Arigold 620
- Dìu đọt, già lá: 500 ml Arigold 620 + 500 ml Nano K++
- Trường hợp bà con muốn chặn đọt có ứng dụng Paclo: 1 lít Vill 10 + 500 ml Nano K++ + 300 ml Farm Paclo APN