Bệnh đạo ôn hay còn gọi là bệnh cháy lá lúa (blast disease) là loại bệnh hại quan trọng bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng nếu không phát hiện và quản lý kịp thời.
Đạo ôn "sụp mặt" tại Tháp Mười - Đồng Tháp
Hình ảnh: Tú Liêm
1. Cách nhận biết
Bệnh đạo ôn gây hại ở nhiều vị trí như lá, cổ lá, cổ gié, nhánh gié và cả trên cuống hạt. Ứng với từng vị trí gây hại sẽ là một tên gọi khác nhau của bệnh đạo ôn:
- Đạo ôn lá: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ có màu trắng khi nhìn xuyên qua ánh sáng. Lâu dần sẽ biến thành màu nâu như vết chấm kim sau đó phát triển thành vết bệnh điển hình kiểu mắt én (vết có hình bầu dục và tâm màu sáng). Khi ruộng bị đạo ôn lá nặng, lá bị cháy khô, đôi khi chết cả bụi lúa. Nhìn từ xa sẽ thấy những bụi lúa cháy nâu và chết lụn, nhà nông thường gọi là lúa “sụp mặt”.
Vết bệnh đạo ôn trên lá.
Hình ảnh: Tú Liêm
- Đạo ôn cổ lá: Nấm bệnh tấn công tạo thành vết nâu ngay cổ lá làm lá gãy gục, sau vài ngày lá lúa sẽ cháy khô. Thường đạo ôn cổ lá chỉ xuất hiện khi trên lá có vết bệnh đạo ôn.
Vết bệnh đạo ôn cổ lá.
Hình ảnh: Hoàng Vũ
- Đạo ôn cổ gié (cổ bông): Nấm bệnh tấn công vào vị trí cổ gié tạo ra vết bệnh màu nâu xám hoặc nâu xanh. Nếu bệnh tấn công ngay sau khi trổ sẽ gây ra hiện tượng “bạc bông” lép trắng cả gié lúa. Để phân biệt “bạc bông” do sâu đục thân hay do bệnh đạo ôn thì bà con hãy nắm gié lúa kéo mạnh lên, nếu không tuột ra khỏi chồi lúa và có vết bệnh ngay cổ gié thì là do đạo ôn gây ra. Bệnh xuất hiện muộn hơn giai đoạn trổ thì có thể gây ra hiện tượng lép, lững còn nếu bệnh gây hại lúc đã vào gạo thì sẽ gây ra hiện tượng gãy cổ bông.
- Đạo ôn nhánh gié: Nấm bệnh tấn công vào giai đoạn cong trái me của các nhánh nhỏ của gié lúa làm lững hạt.
- Đạo ôn cuống hạt: Nấm bệnh tấn công vào cuống hạt ở giai đoạn cong trái me trở về sau sẽ làm lững hạt, hạt dễ bị rụng khi thu hoạch.
2. Tác nhân
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia grisea (P.pryzae) gây ra. Giai đọan sinh sản hữu tính là một nấm nang có tên Magnaporthe grisea.
Trong sinh sản vô tính, nấm bệnh đạo ôn sinh bào tử. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nảy mầm cho ra sợi nấm ngắn sau đó hình thành đĩa áp để xâm nhập vào lá lúa. Chính đĩa áp này tiết ra enzyme cutinaz làm mòn lớp cutin bên ngoài lá, sau đó đâm vòi xâm nhiễm để đâm xuyên qua vách tế bào biểu bì của lá lúa.
Vết bệnh đang sinh bào tử ở mặt dưới lá.
Hình ảnh: Tú Liêm
Khi vào được bên trong, sợi nấm tiếp tục đâm xuyên qua các tế bào lân cận, tiết enzyme phân hủy dinh dưỡng của các tế bào, sau đó hấp thu vào sợi nấm. Bên cạnh đó, nấm bệnh đạo ôn còn tiết ra độc tố pyricularin và axit picolinic làm chết các tế bào xung quanh tạo nên vết bệnh mắt én.
3. Sự lây lan
Bệnh đạo ôn chủ yếu lây qua không khí (gió). Bào tử nấm bệnh đạo ôn có thể theo các luồng không khí mang đi các ruộng lân cận. Những trường hợp đứng gió hoặc có sương mù dày, bào tử sẽ lây sang các cây xung quanh hoặc rớt xuống các tán lá phía dưới.
Vậy nấm bệnh đạo ôn có lây qua nước không? Câu trả lời là có nếu bào tử rơi vào nước trên các lá lúa, còn đối với nước ruộng thì không. Bởi bào tử gặp nước thì nảy mầm ngay, nếu không có lá lúa để bám vào thì sợi nấm sẽ mất năng lượng và chết ngay sau đó. Đây là lý do tai sao nấm bệnh đạo ôn có lưu tồn trong hạt giống nhưng rất hiếm khi gây hại vào giai đoạn mạ. Vì khi ngâm giống, bào tử nảy mầm ngay nhưng không có lá để bám vào nên chết ngay sau đó.
Tại sao vết bệnh lại lan ra theo hình mắt én? Do khi xâm nhập vào bên trong lá, nấm bệnh đạo ôn tiết ra độc tố pyricularia giết chết tế bào . Độc tố này lan nhanh theo chiều dọc (theo mạch nhựa) và lan chậm hơn theo chiều ngang nên hình thành vết bệnh hình mắt én.
4. Điều kiện ngoại cảnh
- Nhiệt độ: vết bệnh phát triển trong khoảng 8-37, ở nhiệt độ 280 C bệnh phát triển nhanh nhất. Ở nhiệt độ 28 này vết bệnh sinh bào tử chỉ trong vòng 9 ngày trong khi ở nhiệt độ từ 16 – 24 vết bệnh sinh bào tử kéo dài đến 15 ngày.
- Ẩm độ: Sợi nấm bên ngoài lá lúa phát triển khi ẩm độ không khí đạt trên 93%. Tuy nhiên, khi đã xâm nhập vào tế bào lá lúa, lúc nào ẩm độ cũng cao hơn 93% nên vết bệnh luôn phát triển và lan mạnh trên lá.
- Ánh sáng: ánh sáng nhất là ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên bào tử sẽ ức chế sự nảy mầm và giết chết bào tử ngay sau đó. Vậy nên, bào tử nấm bệnh đạo ôn thường phát tán vào ban đêm lúc không có ánh sáng và khi ẩm độ không khí tương đối cao.
- Dinh dưỡng: giống như các bệnh khác, ruộng dư thừa đạm sẽ dễ bị nấm bệnh nói chung và bệnh đạo ôn nói riêng tấn công. Khi thừa đạm, bản lá thường rất to và mềm yếu, chính vì thế rất dễ đón nấm bệnh và và bị chúng xâm nhập vào trong lá. Đồng thời, lượng đạm dư thừa sẽ nằm ở dạng tự do trong lá rất thích hợp cho sự phát triển của nấm bệnh, làm cho nấm bệnh lan ra rất nhanh. Đây là lí do tại sao các chỗ trũng trên ruộng thường bị đạo ôn nặng và rất khó để kiểm soát.
Xem thêm cách quản lý bệnh tại đây